Sự việc bắt đầu từ chuyến xe chở đội tuyển Argentina đang phấn khích ăn mừng chức vô địch Copa America 2024. Tiền vệ Enzo Fernandez đã cùng đồng đội hát một ca khúc tự chế lời, trong đó có những câu phân biệt chủng tộc chủ yếu nhắm vào đối thủ của họ ở trận chung kết World Cup 2022, tuyển Pháp.
Những cổ động viên Argentina dự khán trận chung kết World Cup 2022 tại Qatar từng hát vang các đoạn nhạc có lời lẽ: "Chúng nó chơi cho tuyển Pháp nhưng đến từ Angola, mẹ người Nigeria, bố đến từ Cameroon, thế mà hộ chiếu họ vẫn là người Pháp".
Điều này nếu xảy ra sân cỏ thì khó lòng kiểm soát được. Tuy nhiên, khi các cầu thủ Argentina hát trong không gian hẹp, được livestream trên trang cá nhân của một trong những cầu thủ nổi tiếng thế giới - Enzo Fernandez - thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Những đồng đội người Pháp tại Chelsea, gồm rất nhiều cầu thủ da màu như Wesley Fofana, Malo Gusto, Axel Disasi, đã hủy kết bạn với Enzo và lên tiếng chỉ trích cầu thủ này về hành vi phân biệt chủng tộc.
CLB Chelsea nhanh chóng nắm bắt vụ việc và hứa sẽ kỷ luật nội bộ thật nặng đối với Enzo trong khi Liên đoàn bóng đá Pháp đã đưa ra khiếu nại chính thức đến Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), yêu cầu tổ chức này đưa ra án phạt thích đáng.
Vụ việc còn ồn ào ngay tại Argentina khi ngay trong ngày 17-7, Thứ trưởng Bộ Thể thao Julio Garro yêu cầu thủ quân đội tuyển Lionel Messi cùng với chủ tịch LĐBĐ Argentina Claudio Tapia phải cảm thấy có trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi vì hành vi phản cảm, nặng tính phân biệt chủng tộc của các cầu thủ đội tuyển Argentina.
"Messi là đội trưởng đội tuyển còn Claudio Tapia là chủ tịch LĐBĐ, cả hai nên có trách nhiệm vì việc làm của người dưới quyền và cần nói lời xin lỗi. Sự việc khiến một đất nước nhiều vinh quang như Argentina rơi vào tình huống tồi tệ. Lời xin lỗi của họ sẽ góp phần làm gương" - ông Julio Garro nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trực tuyến.
Có vẻ như vị Thứ trưởng này đã đi quá xa với phát biểu của mình. Chỉ vài giờ sau thông điệp dành cho Messi và Tapia, Văn phòng Tổng thống Argentina đã phát đi thông báo với nội dung: "Văn phòng Tổng thống cho rằng không chính phủ nào có thể ra lệnh bình luận gì, nghĩ gì hoặc làm gì với đội tuyển quốc gia Argentina, nhà vô địch thế giới và nhà vô địch Nam Mỹ, hoặc bất kỳ công dân Argentina khác. Vì lý do này, Julio Garro không còn là Thứ trưởng Bộ Thể thao quốc gia nữa".
Trước khi trở thành nhân vật số 2 của Bộ Thể thao Argentina, ông Julio Garro từng đảm nhiệm cương vị thị trưởng thành phố La Plata.
Vị chính khách này phân trần trong cuộc đối thoại với Radio La Red sau khi nhận quyết định động trời kể trên: "Tôi không làm điều đó nhân danh Chính phủ. Tôi nói từ quan điểm con người, không tán thành sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi lại càng không bao giờ yêu cầu một người đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui, thần tượng của tôi, phải làm điều gì đó".
Vấn đề là Julio Garro muốn có lời xin lỗi từ Messi, người không hề có mặt trên "chuyến xe định mệnh" ấy, nên yêu cầu trách nhiệm "người đứng đầu" đối với Messi là quá lố, chưa kể Messi chưa từng có hành vi phân biệt chủng tộc.
Messi không quay về Argentina mà ở lại Mỹ để điều trị chấn thương sau trận chung kết Copa America 2024. Cùng với Messi, người ta cũng xác định không có mặt trên chuyến xe và cũng không hát lời ca phân biệt chủng tộc còn có Alexis MacAllister, Emiliano Martinez, Nicholas Otamendi và Lautaro Martinez.
Tiền vệ Enzo Fernandez cho biết trên Instagram: "Tôi thành thật xin lỗi về vụ việc do bị cuốn vào niềm phấn khích khi ăn mừng chiến thắng ở Copa America. Video đó, khoảnh khắc đó, những lời nói đó, không phản ánh niềm tin hay tính cách của tôi".
Chelsea cho biết họ đã bắt đầu xử lý kỷ luật, mô tả hành vi phân biệt đối xử là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong thông báo hôm 17-7: "Chúng tôi tự hào là một câu lạc bộ đa dạng, hòa nhập, nơi mọi người từ mọi nền văn hóa, cộng đồng và bản sắc đều cảm thấy được chào đón. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao lời xin lỗi công khai của cầu thủ và sẽ coi đây là cơ hội để giáo dục. Câu lạc bộ đã tiến hành một thủ tục kỷ luật nội bộ".
Fernandez trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh sau khi gia nhập Chelsea từ Benfica với giá 106,7 triệu bảng (131,4 triệu USD) vào năm 2023.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết bóng đá nói chung và 211 liên đoàn quốc gia nói riêng phải hành xử không khoan nhượng đối với nạn phân biệt chủng tộc.
Nguồn tin: NĐT
TIN KHÁC